1 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin sắp bị chấm dứt hợp đồng, thu hồi số

Đến 15/5, thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin sẽ bị chấm dứt hợp đồng, thu hồi số. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 1 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều nằm "bất động".

Theo yêu cầu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến ngày 31/3, tất cả thuê bao di động đang hoạt động đều phải có thông tin hợp lệ và trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các thuê bao không trùng khớp thông tin sẽ bị khóa liên lạc một chiều gọi đi sau thời hạn này.

1 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin sắp bị chấm dứt hợp đồng, thu hồi số
Thuê bao cần thực hiện chuẩn hóa thông tin cho trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Những thuê bao này sẽ không thể thực hiện cuộc gọi, nhắn tin, truy cập Internet di động. Tuy nhiên, chủ thuê bao vẫn còn 15 ngày để tiếp tục chuẩn hóa trước khi bị khóa hai chiều. 30 ngày tiếp theo, tức đến 15/5, thuê bao chưa điều chỉnh thông tin sẽ bị chấm dứt hợp đồng, thu hồi số.

Theo số liệu của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối tháng 4/2023, sau khi các nhà mạng tiến hành khóa các chiều gọi đi và đến 1,1 triệu SIM điện thoại di động sau 2 đợt thông báo, chỉ có hơn 83.000 thuê bao bị khóa hai chiều đi chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.

Con số này chiếm khoảng 7,2% trong tổng số 1,15 triệu thuê bao bị khóa nghe gọi sau ngày 15/4. Như vậy, tính đến thời điểm này còn hơn 1 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa lại thông tin dù đang bị nhà mạng khóa 2 chiều.

Với các thuê bao bị khóa liên lạc 2 chiều do chưa có thông tin chưa chính xác, không đúng theo thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người dân cần cầm căn cước công dân đến các điểm giao dịch trên toàn quốc của các nhà mạng để được hỗ trợ thực hiện chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao.

Việc chuẩn hóa thuê bao di động cũng là một trong các hoạt động nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Hoạt động này được đánh giá là cần thiết nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi dùng sim điện thoại không đúng quy định để lừa đảo, quảng cáo sai sự thật. Ngoài ra, theo các nhà mạng, thông tin thuê bao chính xác sẽ giúp người dùng được hỗ trợ tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi thông tin bị lợi dụng cho mục đích xấu.

Việc chuẩn hóa thông tin cá nhân là quyền lợi của mỗi khách hàng, giúp khách hàng dễ dàng thực hiện các giao dịch như dịch vụ công, các dịch vụ thanh toán điện tử... bởi số thuê bao đã được xác thực với cơ sở dữ liệu dân cư và kết nối với dịch vụ công trực tuyến.

Mặc dù Cục Viễn thông và các nhà mạng đã thông báo rất nhiều lần và gia hạn nhiều mốc thời gian để tạo thêm cơ hội, nhưng khả năng hơn 1 triệu thuê bao sẽ bị thu hồi vào ngày 15/5 sắp tới.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, để xử lý triệt để vấn đề SIM rác, Bộ sẽ triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc từ ngày 5/4/2023 đến ngày 5/6/2023.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, Việt Nam hiện có khoảng 127 triệu thuê bao di động, trong đó 96% thuộc về ba nhà mạng lớn là Vinaphone, Viettel, MobiFone.