Bị tố liên tiếp sai sót, Tiến sĩ cố vấn chương trình Vua tiếng Việt nói gì?

Theo Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, về cơ bản, các góp ý về sai sót của chương trình đều chính xác, là những đóng góp tích cực, mang tính xây dựng, giúp cho chương trình rút kinh nghiệm để ngày một tốt hơn.

Vừa qua, tác giả Hoàng Tuấn Công đã liên tiếp chỉ ra một số điểm mà ông cho rằng đó là các lỗi trong chương trình Vua tiếng Việt.

Tác giả này cho rằng, viết "xum xuê" không sai chính tả; cách lý giải câu "lộng giả thành chân", "đá đưa đầu lưỡi" của chương trình chưa đúng.

Ngoài ra, việc phủ nhận câu trả lời "dúm dó" của người chơi khi yêu cầu lựa chọn một trong hai cách viết được coi là đúng chính tả "dúm dó" hay "rúm ró" cũng không hợp lý.

Bị tố liên tiếp sai sót, Tiến sĩ cố vấn chương trình Vua tiếng Việt nói gì? - 1

Chương trình Vua tiếng Việt thu hút đông đảo người chơi trong và ngoài nước (Ảnh chụp màn hình).

Liên quan đến những điều tác giả Hoàng Tuấn Công nêu, PV đã liên hệ phỏng vấn Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ, thành viên Ban cố vấn chương trình Vua tiếng Việt.

Xin ông chia sẻ quan điểm của mình về những nhận định của tác giả Hoàng Tuấn Công?

- Về cơ bản, các góp ý của ông Hoàng Tuấn Công đều chính xác, là những đóng góp tích cực, mang tính xây dựng, giúp cho chương trình rút kinh nghiệm để ngày một tốt hơn.

Nhưng khi bàn về từng trường hợp cụ thể, tôi xin trao đổi thêm rằng, Tiến sĩ Đỗ Thanh Nga khi giải thích thành ngữ "lộng giả thành chân" cũng nói được những ý đúng chứ không phải là nói sai cả.

Ông Hoàng Tuấn Công đã giải nghĩa rất đúng theo sách vở kinh điển về chú giải từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ Hán Việt. Nhưng cũng như nhiều đơn vị khác, thành ngữ Hán Việt này khi được tiếng Việt vay mượn và đi vào sử dụng trong đời sống sinh hoạt của người Việt thì sắc thái có ít nhiều biến đổi.

Cụ thể, trong nguyên bản Hán ngữ, câu này có những sắc thái đánh giá, phê phán về mặt đạo đức, đúng như ông Công đã nói là thể hiện một "âm mưu, thủ đoạn".

Còn trong đời sống sinh hoạt người Việt, câu này có thể được sử dụng với sắc thái nhẹ nhàng hơn, nhiều khi mang tính chất vui đùa. Ở trường hợp này, "lộng giả thành chân" diễn đạt được một nội dung "từ chuyện đùa hóa chuyện thật", "biến đùa thành thật".

Tiến sĩ Đỗ Thanh Nga tuy thiếu sót khi chưa chỉ ra được "lộng" có nghĩa là "làm cho" nhưng vẫn nói lên thực tế sử dụng của từ này trong đời sống sinh hoạt của người Việt. Bản thân chữ "lộng" trong từ điển Hán Việt cũng có một ý nghĩa là "trêu chọc/trêu đùa/đùa giỡn".

Còn với trường hợp chọn từ đúng giữa "lang lổ" và "loang lổ", theo tôi đây cũng là một câu hỏi không sai bởi Ban biên tập lấy cuốn Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên làm chuẩn và từ "lang lổ" không có trong cuốn này.

Còn lại, những trường hợp như "xum xuê", "dúm dó" hay "rúm ró", ông Hoàng Tuấn Công góp ý hoàn toàn chính xác, tôi không có bình luận gì thêm.

Với thành ngữ "đá đưa đầu lưỡi" mà nhà thơ Hữu Việt giải thích là "đưa cục đá", đây là cách giải thích không đúng. Sau khi ông Hoàng Tuấn Công đăng bài trên trang cá nhân, nhà thơ Hữu Việt đã thực sự có tinh thần cầu thị. Anh đã có lời bình luận cám ơn Hoàng Tuấn Công và xin lỗi quý khán giả vì mình giải thích chưa đúng.

Qua đây, tôi thấy với mỗi trường hợp cần sự giải thích phân tích một cách kỹ lưỡng, các thành viên Ban cố vấn cần có sự tra cứu cẩn thận hơn trước khi đưa ra ý kiến của mình.

Bị tố liên tiếp sai sót, Tiến sĩ cố vấn chương trình Vua tiếng Việt nói gì? - 2

Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ cùng nhà thơ Lữ Mai trong một buổi ghi hình "Vua tiếng Việt" (Ảnh: FBNV).

Nhiều người cho rằng, đặt tên cho một game show truyền hình, không nên dùng chữ "vua" vì quá to tát. Nên dùng một cái tên khác dung dị hơn thay vì "Vua tiếng Việt" như hiện tại. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

- Tôi cũng đã có ý kiến về tên của game show. Nhiều người không đồng ý với cái tên Vua tiếng Việt vì theo họ cái tên này bộc lộ sự kiêu ngạo, không ai có thể tự tin mình am hiểu về tiếng Việt đến mức xưng "vua" được.

Thế nhưng, đây chỉ là tên gọi của một trò chơi, phong cách thiên về chất giải trí, vui vẻ, nhẹ nhàng chứ không phải phong cách quan phương hay nghiêm cẩn của thời sự, của khoa học.

Vì thế, tôi vẫn cho rằng đây là cái tên chấp nhận được, sắc thái hơi cường điệu một chút cũng không sao. Dĩ nhiên quyền quyết định cuối cùng về việc giữ nguyên tên gọi hay thay đổi tên gọi sẽ thuộc về ban lãnh đạo của VTV3, lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam.

Là cố vấn của chương trình, theo ông, cái khó khi xây dựng chương trình về tiếng Việt là gì?

- Cái khó khi xây dựng chương trình là làm sao phải vừa hấp dẫn khán giả lại vừa bình dị, dễ hiểu, dễ cảm nhận. Dù những người có trình độ học vấn cao hay những người lao động bình thường xem đều thấy hay thì như thế mới là thành công.

Muốn vậy, các câu hỏi đưa ra cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hình thức của các vòng chơi cũng phải có sự thay đổi để tạo độ mới mẻ và phong phú. Từ mùa 1 sang đến mùa 2, format chương trình đã có những điều chỉnh nhất định khi thay thế phần thi làm thơ bằng phần dùng các chữ cái cho trước để tạo thành các từ đơn và từ phức. Sự thay đổi này theo tôi thấy, giúp cho nhiều người chơi có thể tham gia một cách dễ dàng hơn.

Bị tố liên tiếp sai sót, Tiến sĩ cố vấn chương trình Vua tiếng Việt nói gì? - 3

Theo Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, cái khó khi xây dựng chương trình là làm sao để chương trình vừa hấp dẫn khán giả lại vừa bình dị, dễ hiểu, dễ cảm nhận (Ảnh chụp màn hình).

Tiến sĩ có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của chương trình "Vua tiếng Việt"? Những đánh giá, hiệu ứng về chương trình mà ông được nghe?

- Ý nghĩa quan trọng nhất của chương trình là làm tăng thêm tình yêu của mọi người với tiếng Việt, thứ tiếng mẹ đẻ đã, đang và sẽ theo ta trong suốt cuộc đời. Biết yêu tiếng Việt cũng là biết yêu nguồn cội, yêu truyền thống văn hóa, yêu quê hương đất nước.

Đối với tầng lớp học sinh, sinh viên hay những người làm công việc chữ nghĩa thì chương trình lại càng có ý nghĩa thiết thực. Muốn viết hay, nói hay, chắc chắn phải làm chủ một kho từ vựng phong phú và có khả năng diễn đạt theo nhiều cách thức khác nhau trước cùng một vấn đề.

Chương trình cũng có ý nghĩa tích cực với những người Việt sống xa Tổ quốc, khơi dậy tình yêu quê hương xứ sở, nhắc nhở họ giáo dục con cái không quên nguồn cội của mình.

Theo quan sát của tôi, chương trình đang được sự quan tâm theo dõi của nhiều tầng lớp nhân dân ở tất cả các vùng miền. Nhiều gia đình cả nhà cùng ngồi trước tivi để xem chương trình và thi nhau trả lời. Trong mỗi tuần có tới hàng ngàn bản đăng ký gửi về xin tham dự, xét tuyển để trở thành người chơi của chương trình.

Trên thực tế đã có những em học sinh cuối tiểu học (lớp 5) và học sinh cấp 2 đã trở thành người chơi, trả lời được nhiều câu hỏi và có những em đã vượt qua vòng Phản xạ để vào vòng thứ hai, chơi ngang ngửa với người lớn. Đó là những tín hiệu tốt, cũng là nguồn động viên khích lệ với những người làm chương trình.

Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!