Adhara Pérez Sánchez, sinh năm 2011 tại một khu dân cư nghèo ở thủ đô Mexico. Năm lên 3 tuổi, Adhara bị chẩn đoán mắc chứng khuyết tật phát triển khiến cô bé gặp nhiều khó khăn trong học nói và giao tiếp, điều này khiến Adhara thường xuyên bị bạn bè bắt nạt và bị các giáo viên thờ ơ.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng chẩn đoán Adhara mắc hội chứng tự kỷ Asperger, còn được gọi là "hội chứng tự kỷ thiên tài", vì đã có nhiều thiên tài nổi tiếng cũng mắc phải hội chứng này. Tỷ phú Elon Musk cũng từng thừa nhận mình mắc phải hội chứng tự kỷ Asperger.
Sau 3 lần chuyển trường, Adhara vẫn không thể hòa nhập với các bạn cùng trang lứa khiến cô bé dần cô lập bản thân và không muốn kết bạn với ai.
"Các giáo viên không thông cảm với hoàn cảnh của con bé. Họ thường xuyên phàn nàn với chúng tôi khi con bé không thể hoàn thành bài tập", Nayeli Sánchez - mẹ của Adhara, chia sẻ. "Con bé bắt đầu tự cô lập, không muốn chơi đùa với các bạn cùng lớp và luôn cảm thấy khác biệt".
"Con bé cảm thấy chán nản mỗi khi đến lớp vì mọi người không có sự đồng cảm. Nó luôn bị bạn bè chế nhạo", cô Nayeli nói thêm.
Để giúp con gái vượt qua chán nản, mẹ của Adhara đã đăng ký cho cô bé tham dự các lớp trị liệu về tâm lý. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý sau đó đã khuyên cô Nayeli hãy gửi con gái mình đến Trung tâm Chăm sóc Tài năng (CEDAT), một trường học đặc biệt dành cho những đứa trẻ có năng khiếu và tài năng bẩm sinh tại Mexico.
Tại CEDAT, khi được kiểm tra chỉ số IQ, kết của Adhara đã khiến nhiều người bất ngờ khi cô bé có IQ lên đến 162, cao hơn cả nhà bác học Albert Einstein và nhà vật lý học Stephen Hawking (cả 2 đều có chỉ số IQ 160). Một người có IQ từ 130 trở lên đã được coi là sở hữu tài năng bẩm sinh và sẽ được xếp vào nhóm 2,1% dân số có IQ cao nhất thế giới.
Cách đây 2 năm, tên tuổi của Adhara Pérez Sánchez được cả thế giới biết đến khi nhiều tờ báo lớn đăng tin về cô bé 9 tuổi có chỉ số IQ cao hơn cả những nhà bác học hàng đầu thế giới. Cô bé trở nên nổi tiếng và được xem là thần đồng của Mexico.
Theo trang tin Goalcast, Adhara đã học xong chương trình tiểu học từ năm 5 tuổi và chỉ mất 2 năm tiếp theo để hoàn tất chương trình phổ thông cấp 2, 3 tại Mexico. Năm 8 tuổi, Adhara theo học ngành Kỹ thuật Hệ thống của đại học CNCI (Mexico).
Từ khi còn nhỏ, Adhara đã bày tỏ ước mơ được trở thành một phi hành gia và sẽ trở thành người đầu tiên đặt chân lên Sao Hỏa. Năm 2019, Adhara được đích thân chủ tịch Robert C. Robbins của trường Đại học Arizona (Mỹ) mời theo học chuyên ngành Thiên văn học tại đây, nhưng đại dịch bùng phát trên toàn cầu và các rắc rối về thủ tục giấy tờ khiến Adhara vẫn chưa thể đặt chân đến Mỹ.
Sau 2 năm trở nên nổi tiếng trên toàn cầu, hiện Adhara đã có bằng cử nhân tại CNCI và tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ Toán tại Đại học Công nghệ Mexico.
Hiện tại, Adhara vẫn theo đuổi giấc mơ trở thành phi hành gia và hy vọng một ngày nào đó sẽ được NASA tuyển dụng. Ngoài thời gian đến trường, Adhara còn đang hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Mexico để lan tỏa niềm đam mê toán học, khám phá vũ trụ đến những cô gái trẻ khác tại Mexico.
Adhara cũng đang hoàn thành các bài kiểm tra lực G để cho phép cô bé có thể học lái máy bay, một trong những bước mở đầu để thực hiện giấc mơ phi hành gia. Nếu vượt qua các bài kiểm tra lực G và khi đủ 17 tuổi, Adhara có thể tham gia các lớp học lái máy bay và có thể trở thành người mắc chứng tự kỷ đầu tiên trên thế giới tự lái máy bay.
Hội chứng Asperger là gì?
Hội chứng Asperger được bác sĩ người Áo Hans Asperger mô tả lần đầu tiên vào năm 1944 và sau đó tên ông đã được sử dụng để đặt cho hội chứng này. Những người mắc hội chứng Asperger thường gặp rắc rối với các mối quan hệ xã hội và thường tập trung ám ảnh vào một chủ đề phức tạp nào đó, nhưng lại thờ ơ, vô tâm với những diễn biến thường nhật xung quanh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng gặp phải nhiều khó khăn trong việc giải nghĩa lời nói phức tạp hoặc diễn đạt ý kiến cá nhân ở từng ngữ cảnh cụ thể một cách vụng về.
Những người mắc hội chứng Asperger thường khá nhạy cảm, dễ bị kích động bởi âm thanh, ánh sáng. Những người này thường có phần cư xử lập dị, kỳ quặc… nhưng điều này bắt nguồn từ cấu tạo hệ thần kinh khác biệt do bẩm sinh, chứ không phải là do tính cách khiếm nhã hay bất lịch sự…
Nhiều thiên tài nổi tiếng trên thế giới được cho là mắc hội chứng Asperger, có thể kể đến nhà bác học Albert Einstein, Isaac Newton, họa sĩ thiên tài Michelangelo, nhạc sĩ Wolfgang Amadeus Mozart… điều này khiến cho Asperger còn được biết đến với tên gọi "hội chứng thiên tài".