Gặt lúa dưới trời nóng 40 độ C, người đàn ông co giật giữa cánh đồng

Đang gặt lúa giữa cánh đồng dưới thời tiết nắng nóng 40 độ C, anh D. (41 tuổi, ở Phú Thọ) đột nhiên bị ngất, co giật, phải đưa đi cấp cứu gấp.

Bệnh nhân được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu, truyền bù dịch, bù nước, ngày 22/5. Đây cũng là ngày Phú Thọ và các tỉnh miền Bắc ghi nhận nền nhiệt độ tăng cao lên tới 40 độ C, nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể cao hơn.

Sau hơn 1 giờ theo dõi tích cực tại Trung tâm Trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương Kim Xuyên, bệnh nhân ổn định, ra viện, tiếp tục theo dõi tích cực.

Bệnh nhân được thầy thuốc sơ cứu ngay tại cánh đồng trước khi chuyển đến cơ sở y tế. Ảnh cắt từ clip bệnh viện cung cấp

Các bác sĩ cho biết thời điểm nắng nóng gay gắt trùng vào đợt thu hoạch lúa, màu. Người nông dân thường hay gặp phải một số vấn đề sức khỏe như say nắng, say nóng, thậm chí là đột quỵ do nắng nóng. Do đó, bác sĩ khuyên người dân khi đi làm cần phải uống nhiều nước.

Dấu hiệu đặc trưng say nắng, say nóng. Nguồn: Bệnh viện 108

Say nắng và say nóng đều dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương. Triệu chứng kinh điển là tăng thân nhiệt trên 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp.

- Các dấu hiệu nhẹ ban đầu: nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da (do cơ chế thải nhiệt - giãn mạch dưới da), có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Chú ý ở người già các dấu hiệu thường kín đáo và không đặc hiệu ở giai đoạn sớm.

- Các biểu hiện nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời: tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê. Khi thân nhiệt tăng quá cao còn gây mất điện giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết (xuất huyết kết mạc, tiểu tiện ra máu, đại tiện ra máu) do rối loạn đông máu nặng, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Khi gặp trường hợp say nắng, say nóng, người dân phải thật bình tĩnh sơ cứu cho người bệnh ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hoặc phương tiện y tế. Các biện pháp có thể thực hiện như:

- Giảm thân nhiệt cho nạn nhân

- Đặt nạn nhân nằm ngửa, gác chân cao.

- Nếu nạn nhân uống được nước thì cho uống từng ngụm nhỏ nước mát

- Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút.

Lưu ý: Đặt nạn nhân ở nơi thoáng mát, không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân.