Nơi chi phí nuôi con tốn kém nhất thế giới

Với chi phí nuôi dạy con cao, nhiều người Hàn Quốc lo ngại về tỷ lệ sinh giảm trong bối cảnh khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng trầm trọng.

Chi phí nuôi dạy con ở Hàn Quốc đắt đỏ nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Theo nghiên cứu mới nhất của viện nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), chi phí nuôi dạy một đứa trẻ từ khi sơ sinh đến 18 tuổi ở Hàn Quốc cao gấp 7,79 lần mức thu nhập bình quân đầu người. Đây cũng là con số cao nhất thế giới.

Cao thứ 2 là Trung Quốc, gấp 6,9 lần. Tại quốc gia tỷ dân, cần hơn 75.000 USD để nuôi dạy một đứa trẻ cho đến khi 18 tuổi và thêm 22.000 USD cho việc học đại học. Con số này cao gấp đôi các nước như Đức, Australia, Pháp với chi phí lần lượt gấp 3,64; 2,08 và 2,24 lần thu nhập bình quân đầu người, theo Korea Times.

Nghiên cứu chỉ ra rằng chi phí nuôi con cao là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định có con của các cặp đôi Hàn Quốc.

Năm 2022, tổng tỷ suất sinh ở xứ củ sâm (số con trung bình mà một phụ nữ dự kiến sinh trong đời) chỉ là 0,78. Hồi tháng 3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol kêu gọi "các biện pháp táo bạo" để giải quyết vấn đề này.

Han Quoc nuoi con anh 1

Chi phí cao khiến nhiều người Hàn không muốn có con. Ảnh: Yonhap/EPA-EFE/Shutterstock.

Một cuộc khảo sát trong nước do Viện Sức khỏe và Xã hội Hàn Quốc (KIHASA) thực hiện năm 2020 cho thấy chi phí nuôi con cao là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh giảm ở Hàn Quốc.

Viện đã khảo sát 2.000 người trưởng thành và nhận thấy cả người đã kết hôn và chưa kết hôn đều chọn "sự bất ổn về kinh tế" và "chi phí cao" là những lý do hàng đầu khiến họ không sinh con.

Báo cáo của YuWa đề xuất một số chính sách giúp giải quyết khủng hoảng dân số ở cấp quốc gia như trợ cấp tiền mặt và thuế, trợ cấp mua nhà, xây dựng thêm nhà trẻ, cung cấp chế độ nghỉ thai sản bình đẳng giới, tạo điều kiện cho người trông trẻ nước ngoài, thúc đẩy phong cách làm việc linh hoạt, đảm bảo quyền sinh sản của phụ nữ độc thân, cho phép công nghệ hỗ trợ sinh sản và cải cách kỳ thi tuyển sinh đại học, hệ thống trường học.