Sau vụ cháy chung cư mini: Bác sĩ đưa ra lời khuyên "vàng" khi gặp hỏa hoạn

Ngân Hà
Người dân cần nắm rõ những bước này để đề phòng và giữ an toàn nếu chẳng may xảy ra cháy chung cư.

Những vụ hỏa hoạn lớn, người dân có nguy cơ tử vong do ngạt và nhiễm độc khí

Trao đổi với báo Vietnamnet, bác sĩ Diệp Quế Trinh, Trưởng khoa Bỏng và phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 Tp.HCM, trong những vụ hỏa hoạn lớn, người dân có nguy cơ tử vong do ngạt và nhiễm độc khí.

Vị bác sĩ này phân tích có nhiều loại khí độc được sinh ra trong đám cháy như CO, CO2, amoniac… Nạn nhân bị ngạt khí sẽ dẫn đến suy hô hấp, mất kiểm soát, suy kiệt và tử vong nếu không kịp thoát ra.

Nếu hít phải khói và các chất độc trên trong thời gian dài, nạn nhân cũng có thể bị bỏng hô hấp, phù nề đường thở. Đặc biệt, trẻ nhỏ dễ bị suy hô hấp hơn người lớn vì đường thở nhỏ.

Bác sĩ Trinh cho biết thời gian nạn nhân bị ngất xỉu hoặc hôn mê trong đám cháy phụ thuộc vào nồng độ khí hít vào, không gian kín hay thoáng, các vật liệu trong đám cháy cũng như độ tuổi, thể lực… không thể có con số chính xác.

luc-luong-cuu-ho-trong-vu-chay-chung-cu-mini-khuong-ha-1694684389.jpg

Lực lượng chức năng cứu hộ nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội.

Bác sĩ chỉ cách thoát khỏi đám cháy an toàn

Giữ bình tĩnh không hoảng loạn

Vị chuyên gia này cho hay, điều quan trọng nhất là thoát khỏi đám cháy an toàn. Vì vậy, trước hết các nạn nhân phải giữ bình tĩnh, không hoảng loạn. Sau đó, sử dụng khăn thấm nước để bịt kín miệng, mũi cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Thấm ướt chăn mền (nếu có) để che cơ thể rồi thoát ra đám cháy càng nhanh càng tốt.

Di chuyển phải theo tư thế thấp

Trong quá trình di chuyển phải theo tư thế thấp, khom lưng hoặc trườn, bò vì khí độc chủ yếu ở tầng trên, lượng khí sạch ở sát mặt đất. Đi trong tư thế này giúp các nạn nhân giảm lượng khí độc hít vào.

Đảm bảo an toàn trước khi nhảy trừ trên cao xuống

Khi đám cháy xảy ra, việc người dân trèo, nhảy từ tầng cao có thể gây ra chấn thương sọ não, chấn thương đốt sống cổ, có thể gây tử vong trước khi được sơ cứu bỏng. Do đó, phải đảm bảo an toàn trước khi thực hiện, bác sĩ Trinh lưu ý.

Nhanh nhạy trong việc hô hấp

Đặt nạn nhân ở khu vực thoáng khí và đánh giá tình hình tri giác, hô hấp, tuần hoàn. Tiến hành hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân ngưng tim ngưng thở.

Chú ý giữ ấm cho nạn nhân. Che phủ tạm thời vùng bỏng bằng vật liệu sạch như gạc y tế, hoặc khăn mặt, khăn tay, vải sạch để phủ lên. Không bôi bất kỳ chất gì vào vùng bỏng khi chưa rửa sạch và không được sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Sau đó, nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

Đến cơ sở y tế gần nhất

Đặc biệt, với trẻ nhỏ, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế sớm nhất sau khi đánh giá chức năng sống.

sau-vu-chay-chung-cu-mini-bac-si-dua-ra-loi-khuyen-vang-khi-gap-hoa-hoan-1694684534.jpg

Kỹ năng năng sống sót khi chẳng may cháy chung cư

1. Nếu đang nằm trên giường, hãy lăn xuống khỏi giường và bò ra cửa. Đừng lãng phí thời gian thay quần áo hoặc đi tìm những đồ vật có giá trị.

2. Hãy tìm cửa sổ lớn và ban công để ra tín hiệu kêu cứu. Đồng thời báo động cho mọi người biết như hô lớn, phát loa, đánh kẻng kêu báo cháy… Nếu đám cháy lớn và nguy hiểm, hãy khẩn trương gọi đội cứu hộ chữa cháy theo số điện thoại 114, theo báo Hà Nội Mới.

3. Dùng vải vụn, khăn tắm, tấm trải giường, giấy báo, băng dính… nhét vào các khe quanh cửa và che các lỗ thông khí.

4. Nếu mở một cửa sổ để thoát, hãy đảm bảo các cửa và cửa sổ khác trong phòng đã được đóng chặt; nếu không là khói và lửa có thể bị hút vào phòng.

5. Nếu chạm vào cửa căn hộ thấy không bị ấm hoặc nóng, hãy mở ra từ từ. Cúi thấp người, kiểm tra xem có khói hay lửa ở hành lang không. Nếu hành lang không có vấn đề gì, hãy sơ tán theo cách bạn đã nắm rõ. Khi rời đi, hãy đóng cửa sau lưng mình lại.

6. Luôn dùng cầu thang bộ khi có hỏa hoạn, không bao giờ được đi thang máy. Nếu có thể, hãy hô to là có cháy để đánh thức những người đang ngủ.

Trúc Chi (t/h)