Nam sinh Vĩnh Phúc đứng đầu 4 đợt thi đánh giá năng lực

Nguyễn Đăng Huy, nam sinh lớp 12 THPT Yên Lạc, giành 129/150 điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội, đứng đầu 44.000 thí sinh.

Đây là kết quả của Huy trong đợt thi đánh giá năng lực ngày 8/4. Điểm thành phần Toán, Ngôn ngữ và Khoa học lần lượt là 47, 42 và 40 điểm.

Theo Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, sau bốn đợt thi với tổng số khoảng 44.000 thí sinh tham dự, đây là điểm số cao nhất. Cả nước chỉ có 5 em đạt mức 120 điểm trở lên.

Anh Nguyễn Đăng Thường, bố của Huy, cho biết rất vui với kết quả của con trai. Vì điều kiện công việc, vợ chồng anh chủ yếu động viên con tự học.

"Huy vẫn giúp làm việc nhà hàng ngày vì bố bận làm mộc, mẹ đi làm may. Con chủ yếu tự học ở nhà nhiều năm qua, không đi học thêm", anh Thường kể.

Huy có chút bất ngờ do Ngôn ngữ và Khoa học xã hội vốn không phải thế mạnh của mình. "Kết quả này giúp em giảm bớt áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới", Huy nói.

Nguyễn Đăng Huy chụp ảnh kỷ yếu trong sân trường THPT Yên Lạc, hồi tháng 3/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Đăng Huy trong sân trường THPT Yên Lạc, tháng 3/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Huy đăng ký thi đánh giá năng lực từ hồi tháng 4 với mong muốn "đánh nhanh, thắng nhanh" để tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp.

Có thế mạnh với Toán và các môn Khoa học tự nhiên, em dành nhiều thời gian để ôn phần Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý) và Ngôn ngữ hơn.

Ở phần Ngôn ngữ, Đăng Huy nhận thấy khác với đề Ngữ văn, phần thi này yêu cầu nhiều kiến thức tiếng Việt như từ loại, chính tả. Do đó, Huy quyết định học lại lý thuyết về danh động từ, từ ghép, từ láy. Ngoài ra, phần thi này còn có dạng bài đọc hiểu, tương tự như các đề thi tiếng Anh, người học cần rèn khả năng tập trung khi đọc hiểu để tìm ra ngữ liệu đúng.

Với môn Lịch sử và Địa lý, Huy tham gia một khóa học 10 buổi để củng cố kiến thức ngoài giờ học trên lớp.

Xem đề minh họa và tìm hiểu thông tin, nam sinh cũng biết đề thi thật sẽ nặng về đòi hỏi vận dụng thực tế. Huy chịu khó tìm đọc các tài liệu có liên quan ở tất cả các môn trên mạng, xem thời sự, luyện đề thi các năm trước và từ kho đề của Câu lạc bộ Khoa cử Yên Lạc do các thầy cô trong trường soạn.

Dù vậy, Huy không thức khuya. Em tập trung nghe giảng và cố gắng hiểu bài ngay trên lớp, khi về nhà chỉ học đến khoảng 22h30 là đi ngủ. Theo Huy, thức khuya, học cố sẽ gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến hiệu suất của ngày hôm sau.

Khoảng hai tuần trước ngày thi, Huy dành 2-4 ngày mỗi môn để hệ thống lại kiến thức và ghi nhớ những điểm cần lưu ý, nhiều nhất vẫn là môn Sử và Địa. Hôm 8/4, khi làm xong bài thi đánh giá năng lực, Huy tự dự đoán kết quả tốt.

Đối với Toán, Huy nhận định độ khó tương đương với đề thi tốt nghiệp THPT các năm trước, không đánh đố thí sinh.

"Khó nhất với em là phần tích phân. Còn phần mà đề thi ra nhiều nhất là cực trị hàm số và tỷ lệ thể tích", Huy nói, tiếc vì không có đủ thời gian để làm kỹ hơn trong khi Toán là thế mạnh của mình.

Với phần Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Huy cho biết đề thi cũng nằm trong chương trình học. Vì thường tìm nhiều cách giải khác nhau khi ôn luyện, nam sinh dễ dàng vượt qua phần này.

Trong khi đó, Lịch sử và Địa lý vẫn là phần khiến Huy gặp khó khăn nhất.

"Em ôn chủ yếu về các nội dung liên quan đến Việt Nam nhưng đề lại nhiều câu hỏi kiến thức về lịch sử, tình hình thời sự trên thế giới", Huy cho hay. Vì thế, nam sinh cho rằng thí sinh cần đọc nhiều hơn để có hiểu biết về các lĩnh vực cả trong và ngoài nước.

Trong phòng thi, mỗi thí sinh có một mã đề khác nhau. Cách làm bài của Huy là bình tĩnh đọc lướt toàn bộ đề thi để nhận diện kiểu bài, làm từ bài dễ đến bài khó. Với câu hỏi quá khó, Huy chấp nhận bỏ qua thay vì chôn chân mãi ở đó, để dành thời gian cho các câu hỏi còn lại.

"Số lượng câu hỏi nhiều nên em cố gắng không để thời gian chết, tận dụng tối đa để làm bài và kiểm tra lại kết quả sau khi làm bài xong", Huy nói.

Nguyễn Đăng Huy chụp ảnh kỷ yếu với bạn bè, hồi tháng 3/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Đăng Huy chụp ảnh kỷ yếu với bạn bè, hồi tháng 3/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Huy cho rằng để làm tốt bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội thì cần học rộng, đều đặn.

"Đề thi không đánh đố. Mình phải biết hầu hết toàn bộ kiến thức và không nên bỏ sót phần nào trong sách giáo khoa", Huy nói.

Huy định dùng điểm thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin của trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.